1. Cách nhận biết mỡ máu cao qua các chỉ số xét nghiệm mỡ máu

Bộ xét nghiệm mỡ máu (lipid máu) bao gồm: cholesterol toàn phần, triglyceride, HDL - cholesterol, LDL - cholesterol.

a. Cholesterol

Cholesterol là một thành phần do gan tổng hợp, có trong hồng cầu, màng tế bào và cơ. Khoảng 70% cholesterol được este hóa (kết hợp với acid béo và 30% dưới dạng tự do trong máu (huyết tương)). Trong xét nghiệm, 2 dạng này thường được đo chung với nhau, thường được gọi chung là cholesterol toàn phần.

Cholesterol toàn phần = Cholesterol tự do + Cholesterol Ester.

Gan là cơ quan chính tạo cholesterol và gan cũng là cơ quan duy nhất ester hóa cholesterol. Cholesterol chuyển hóa thành acid mật và muối mật (cần cho sự tiêu hóa mỡ) thành các hormon steroid (ở vỏ thượng thận, buồng trứng, tinh hoàn). Tăng cholesterol huyết có thể gây ra những mảng lắng đọng ở động mạch vành dẫn đến nhồi máu cơ tim.

Cholesterol trong máu tăng lên theo độ tuổi ở cả 2 giới nam và nữ cho đến 60 tuổi.

Trước 50 tuổi, chỉ số cholesterol ở nam lớn hơn nữ. Sau 50 tuổi, chỉ số cholesterol ở nữ lớn hơn nam.

  • Mức bình thường: < 200 mg/dL (< 5,2 mmol/L)

  • Nguy cơ vừa: 200 – 239 mg/dL (5 – 6 mmol/L)

  • Nguy cơ cao: > 240 mg/dL (> 6 mmol/L)

Cholesterol tăng cao sẽ dẫn đến các nguy cơ như: xơ vữa động mạch, tiểu đường, vàng da, tăng huyết áp… Nếu các chỉ số này giảm thì sẽ dẫn đến cường giáp, hội chứng cushing…

b. Triglyceride

Là ester của glycerol với 3 acid béo, được vận chuyển trong máu dưới dạng lipoprotein. Ở cơ thể người, trong tổ chức mỡ dự trữ những acid béo thường là: acid palmitic và acid oleic.

Triglyceride có trong dầu thực vật và mỡ động vật. Mỡ là glyceride của động vật có nhiều acid béo no và dầu thực vật là glyceride chứa nhiều acid béo không no.

Triglyceride có 2 nguồn gốc: ngoại sinh (thức ăn) và nội sinh (từ gan tổng hợp). Trong huyết tương, triglyceride ngoại sinh được vận chuyển bởi chylomicron và triglyceride nội sinh được vận chuyển bởi VLDL.

Ở ruột non, triglyceride bị thủy phân bởi lipase trở thành glycerol và acid béo. Acid béo được hấp thu phần lớn qua hệ bạch huyết, cuối cùng tới dòng máu dưới dạng hạt mỡ - chylomicron.

Triglyceride gây ra huyết tương đục như sữa sau bữa ăn mỡ (sẽ biến mất sau 6 giờ, vì được gan đưa vào HDL,  LDL,  VLDL chuyển đến các mô, nhất là mô mỡ).

  • Mức bình thường: < 150 mg/dL

  • Mức ranh giới: 150 – 199 mg/dL

  • Nguy cơ cao: 200 – 499 mg/dL

  • Nguy cơ rất cao: >  500 mg/dL

Triglyceride tăng thì sẽ dẫn đến các nguy cơ như: nhồi máu cơ tim, xơ vữa động mạch, tiểu đường nặng, thiếu máu ác tính, xơ gan, viêm gan, viêm tụy… Nếu các chỉ số này giảm thì sẽ dẫn đến suy kiệt cơ thể.

c. HDL – cholesterol

HDL (High Density Lipoproteins) là lipoprotein tỷ trọng cao được tổng hợp ở gan và ruột dưới dạng hình đĩa sau đó chuyển thành hình cầu trong huyết tương.

HDL vận chuyển ngược cholesterol dư thừa từ tế bào ngoại biên về gan để gan oxy hóa và đào thải ra ngoài theo đường ruột. Quá trình này giúp cho tế bào ngoại biên khỏi bị ứ đọng lipid và chống lại hiện tượng sinh xơ vữa. Bởi vậy, HDL được gọi là yếu tố chống xơ vữa. 

  • Mức bình thường: ≥ 60 mg/dL

  • Mức ranh giới: 40 – 59 mg/dL (nam); 50 -59 mg/dL (nữ)

  • Nguy cơ cao: < 40 mg/dL (nam); < 50 mg/dL (nữ)

HDL - cholesterol tăng thì giảm nguy cơ xơ vữa động mạch, bệnh mạch vành.

d. LDL – Cholesterol

LDL (Low Density Lipoproteins) là lipoprotein tỷ trọng thấp, VLDL (Very Low Density Lipoproteins) là lipoprotein tỷ trọng rất thấp , được gọi là những lipoprotein gây xơ vữa. Khi có bất thường thụ thể LDL: cơ thể không có khả năng nắm bắt LDL lưu hành; không có khả năng nội ẩm bào qua trung gian thụ thể đến các hố có áo và vào trong bào tương. Hậu quả xảy ra là nồng độ LDL lưu hành tăng, lắng đọng dưới lớp nội mạc, dẫn đến xơ vữa động mạch.

  • Mức bình thường: <100 mg/dL (bình thường); 100 – 129 mg/dL (gần đạt ngưỡng bình thường)

  • Mức ranh giới: 130 – 159 mg/dL

  • Nguy cơ cao: 160 – 189 mg/dL (nguy cơ cao); ≥ 190 mg/dL (nguy cơ rất cao)

Nếu chỉ số này tăng cao thì sẽ tăng nguy cơ bệnh mạch vành, xơ vữa động mạch.

2. Nguyên nhân nào gây máu nhiễm mỡ?

Khi nhận thấy có sự nghi ngờ bệnh mỡ máu, bạn hãy đi xét nghiệm các thành phần lipid để chẩn đoán xác định, với các kết quả:

- Tăng cholesterol toàn phần

- Giảm HDL - Cholesterol

- Tăng LDL - Cholesterol

- Tăng triglyceride

Mỡ trong máu bắt đầu tăng sau 2-3 giờ khi ăn nhiều mỡ và đạt mức cao nhất sau 4-6 giờ, tới giờ thứ 9 thì trở về mức bình thường.

Thời gian lâu hay nhanh, tăng nhiều hay ít sẽ phụ thuộc vào nhiều yếu tố như là: loại mỡ (dầu thực vật sẽ thấp thu nhanh hơn mỡ động vật), thời gian mỡ thoát khỏi dạ dày, cường độ nhu động ruột, lượng mật bài tiết, lượng mỡ trong máu lúc ban đầu, hoạt tính men lipase...

Thông thường, khi máu trong mỡ đã tăng, dù bạn có ăn thêm mỡ, lipid máu cũng không tăng thêm bao nhiêu. Cơ thể sẽ tự điều chỉnh lipid máu, bởi lipid máu tăng sẽ ức chế hấp thu lipid ở ruột, hoạt hóa chức năng cố định mỡ của tổ chức phổi, kích thích hệ lưới nội mô gây tăng tiết hormone và heparin.

Máu nhiễm mỡ thường sẽ đến từ các nguyên nhân sau:

a. Do chế độ ăn uống và sinh hoạt

Chế độ dinh dưỡng không hợp lý góp phần làm tăng chỉ số mỡ trong máu: ăn nhiều mỡ và nội tạng động vật, sữa nguyên kem, thịt đỏ, đồ chiên rán… Thêm nữa do chế độ sinh hoạt không hợp lý ở người béo phì, lười vận động, uống nhiều bia rượu, hút thuốc… cung là nguyên nhân dẫn đến mỡ máu tăng cao. Nếu bị béo phì, stress, di truyền thì bạn cũng có nguy cơ tăng mỡ máu.

b. Tuổi tác và giới tính

Tuổi càng cao, các cơ quan trong cơ thể sẽ dần bị lão hóa, các bộ phận như gan, mật cũng bị ảnh hưởng dẫn đến rối loạn hoạt động tự điều chỉnh mỡ trong máu.

Nhiều nghiên cứu cho thấy ảnh hưởng của estrogen đến việc chuyển hóa chất béo và ảnh hưởng gián tiếp đến các mạch máu. Nữ giới độ tuổi 15-45 thường có tỷ lệ triglyceride thấp hơn so với nam giới. Nữ giới khi bước sang giai đoạn mãn kinh thì lượng triglyceride và cholesterol xấu ngày càng tăng và làm tăng cao khả năng mắc bệnh xơ vữa động mạch.

c. Do ứ đọng

Khi giảm hoạt tính của men lipoprotein lipase do tăng chất ức chế men này (protamin, axit mật, NaCl); hoặc do giảm tiết heparin (như trong bệnh xơ vữa động mạch) thấy giảm thủy phân triglycerid (dưới dạng chylomicron) thì sẽ dẫn đến tăng lipid máu.

Ở người bệnh thận hư, tăng mỡ máu là bởi các chất ức chế tiêu mỡ, thêm nữa trong bệnh này albumin huyết tương giảm (do protein niệu nghiêm trọng) bởi thế làm giảm khả năng kết hợp với ABTDHT. Điều này dẫn đến quá trình tiêu mỡ bị ức chế và tăng lipid máu. Hiện tượng tăng lipid máu sau khi chảy máu cũng sẽ phát sinh theo cơ chế này. 

d. Do huy động

Tăng lipid máu do huy động bởi những nguyên nhân sau:

  • Dự trữ glycogen giảm (đói ăn),

  • Trạng thái căng thẳng (stress),

  • Lao động nặng

  • Giao cảm hưng phấn

  • Tăng tiết hoóc-môn (catecholamin, ACTH, STH, thyroxin… ),

  • Đái tháo đường (glucose không được sử dụng, lipid tăng thoái biến, lipid máu tăng tới 1.000 – 2.800 mg/100ml).

Trên đây Sanct Bernhard Việt Nam đã chia sẻ đến bạn thông tin chi tiết về nguyên nhân gây máu nhiễm mỡ. Cùng đón đọc những bài viết hữu ích về sức khỏe và sắc đẹp trên Sanct Bernhard Việt Nam mỗi ngày nhé!