Thừa cân và béo phì
Đặc điểm lớn nhất của dân văn phòng chính là ngồi làm việc liên tục trước màn hình máy tính. Vậy nên, nếu bạn lười tập thể dục thì đây chính là nguy cơ lớn dẫn tới thừa cân và béo phì.
Theo nghiên cứu vào năm 2003 với gần 1000 người đàn ông trưởng thành, các nhà khoa học đã tìm thấy một mối liên hệ giữa thời gian ngồi và tình trạng thừa cân, béo phì. Trong nghiên cứu, một người được đánh giá là thừa cân khi có chỉ số BMI từ 25 trở lên.
Chỉ số BMI (body mass index) hay còn gọi là chỉ số khối của cơ thể, thường được sử dụng để đánh giá xem một người có đang bị thừa cân hay suy dinh dưỡng hay không. Chỉ số BMI được tính theo công thức khối lượng (kg) chia cho chiều cao bình phương (m): BMI = W/([H]2).
- BMI dưới 18.5 là thiếu cân
- BMI từ 18.5 - 24.9 là bình thường
- BMI từ 25 - 29.9 là thừa cân
- BMI từ 30 trở lên là béo phì
Theo nghiên cứu của các nhà khoa học thì những người đàn ông ngồi trên 6 tiếng một ngày có tỉ lệ thừa cân, béo phì cao gần gấp đôi, cụ thể là 1.92 lần so với những người chỉ ngồi dưới 45 phút/ngày.
Biện pháp phòng tránh:
Phải ngồi nhiều trước máy tính có thể được coi là một trong số các đặc thù của người làm việc văn phòng. Vậy cần làm gì để giảm nguy cơ bị thừa cân, béo phì?
Vận động chắc chắn là một trong số những câu trả lời đơn giản nhất. Trong thời gian làm việc, bạn nên cố gắng đứng lên đi bộ nhẹ nhàng quanh văn phòng sau 30-60 phút làm việc. Ngoài giờ, bạn cũng nên tập thể dục, tham gia các môn thể thao như bơi lội, cầu lông, tennis,...Sao bạn không thử rủ thêm các đồng nghiệp trong cơ quan cùng tham gia? Khi bạn có người đồng hành với mình, bạn sẽ có nhiều động lực hơn để tập luyện.
Ngoài ra, hãy chú ý đến đồ ăn vặt mà bạn thường ăn tại văn phòng. Thay vì lựa chọn bánh, kẹo, bim bim,...bạn hãy tăng cường ăn các loại trái cây như cam, táo, chuối,...
Các bệnh về mắt
Không ngạc nhiên gì khi nhân viên văn phòng, những người phải ngồi nhìn màn hình máy tính liên tục trong thời gian dài thường gặp các bệnh lí về mắt.
Khô mắt là một trong những tình trạng phổ biến nhất ở dân văn phòng, xảy ra khi nước mắt không đủ để thực hiện chức năng bôi trơn cho mắt. Vậy tại sao dân văn phòng lại dễ bị khô mắt? Một người bình thường sẽ có số lần chớp mắt trung bình vào khoảng 20 lần/phút. Tuy nhiên, khi làm việc trước máy tính, dân văn phòng có xu hướng tập trung cao độ, khiến số lần chớp mắt có thể giảm xuống chỉ còn 6-8 lần/ phút. Đây chính là một trong những nguyên nhân khiến bạn dễ bị khô mắt.
Hội chứng thị lực máy tính, gọi tắt là CVS, được biết đến là tình trạng rối loạn chức năng về mắt. Những người bị mắc hội chứng này sẽ gặp phải các tình trạng sau: đau nhức mắt, mỏi mắt, mệt mỏi thị giác,nhạy cảm với ánh sáng, khô mắt, cay mắt,....
Biện pháp phòng tránh:
- Ăn uống đủ chất, đặc biệt chú ý các loại thực phẩm có chứa vitamin A, lutein, zeaxanthin, vitamin B2,...
- Lưu ý giữ khoảng cách với màn hình máy tính 50-70cm, thấp hơn tầm mắt từ 10-20 cm
- Áp dụng quy tắc 20-20-20: Sau 20 phút làm việc cho mắt nghỉ ngơi 20 giây để nhìn ra xa 20 feet (khoảng 6m)
- Hạn chế làm việc trong bóng tối, khi cần làm việc thì bật đèn sáng
- Tập thói quen chớp mắt và thư giãn cho mắt
- Không quên uống nước để duy trì độ ẩm cho mắt
Đau lưng và thoái hóa đốt sống
Rất nhiều người làm việc tại văn phòng đang ngồi sai tư thế, gây chèn ép cột sống và tạo áp lực không cân đối lên vùng thắt lưng. Nguyên nhân đến từ việc mọi người thường không nhận thức được vai trò quan trọng của việc ngồi đúng tư thế hoặc có những người biết nhưng vẫn vô thức ngồi sai tư thế khi đang tập trung làm việc. Ngoài ra, bàn ghế không đạt chuẩn cũng là một trong những nguyên nhân khiến dân văn phòng khó duy trì tư thế đúng khi ngồi.
Đa phần mọi người có xu hướng cúi gập cổ, vươn người về phía trước, ngồi không thẳng lưng và giữ nguyên tư thế này trong thời gian dài. Thói quen này sẽ tạo áp lực lên các nhóm cơ và đĩa đệm ở cổ và lưng của bạn, gây ra các sang vi chân ở cột sống. Hệ quả là nhiều người phải đối mặt với đau vai gáy và đau lưng thường xuyên. Đặc biệt, thậm chí dân văn phòng còn có thể mắc phải căn bệnh thoái hóa đốt sống cổ.
Biện pháp phòng tránh:
- Ngồi thẳng lưng, dựa vào thành ghế trong tư thế thoải mái, chân đặt trên mặt đất, góc nghiêng hông đùi khoảng từ 100 - 120 độ.
- Lưu ý giữ khoảng cách với màn hình máy tính 50-70cm, thấp hơn tầm mắt từ 10-20 cm
- Dưới bàn làm việc cần có không gian trống để chân bạn có thể tự do co duỗi với tư thế thoải mái, dễ chịu.
Hội chứng ống cổ tay
Người phải ngồi gõ bàn phím máy tính trong thời gian dài là những đối tượng rất dễ gặp phải hội chứng này. Biểu hiện là những cơn đau kéo xuống ngón trỏ, ngón giữa và ngón đeo nhẫn. Bạn sẽ có cảm giác tê giống như kiến bò hay kim châm. Người bệnh thường phải lắc cổ tay cho đỡ khó chịu và giảm cảm giác tê tay.
Biện pháp phòng bệnh:
Để phòng bệnh, đặc biệt là những người phải liên tục gõ máy tính trong nhiều giờ đồng hồ liên tiếp, hãy xoay cổ tay cứ sau 90 phút làm việc. Lưu ý, bài tập cho tay sẽ được thực hiện lần lượt như sau:
- Xoay cổ tay từ 1-2 phút từ trái sang phải rồi lại từ phải sang trái.
- Nắm hai bàn tay rồi lại xòe ra, lặp lại động tác trong vòng 1 phút
- Đan chéo các ngón tay của hai bàn tay rồi gập lại nhẹ nhàng, lặp lại động tác trong vòng 1 phút
Nhìn chung, cách để phòng tránh bệnh là không nên giữ nguyên tư thể gõ máy tính và dùng chuột máy tính trong nhiều giờ đồng hồ liên tiếp.
Lời kết
Trên đây là những chia sẻ của Sanct Bernhard Việt Nam về nguy cơ bệnh tật mà dân văn phòng phải đối mặt và các biện pháp phòng tránh. Mong rằng bạn đã có những kiến thức bổ ích để bảo vệ sức khỏe cho bản thân mình.
Đọc thêm nhiều bài viết bổ ích tại trang web Sanct Bernhard Việt Nam
Fanpage của Sanct Bernhard: https://www.facebook.com/SanctBernhard.VN